XIN NHỚ GAETA

Xin Nhớ Gaeta

 

Tôi đã lớn tuổi rồi nên nếu không viết lại chuyện của mình, tôi e rằng sẽ không còn cơ hội để kể nữa. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ khơi lại ký ức đã qua, về câu chuyện đặc biệt mà tôi sắp nói cho bạn nghe, nhưng chuyện xảy ra trong mấy năm gần đây làm tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải ghi lại. Tôi dành phần lớn đời mình sống ở Ấn Độ, nơi chốn nổi tiếng về những điều bí ẩn và nhiều chuyện lạ thường, và nếu tin vào chuyện của kẻ lữ hành mà bạn được nghe, bạn sẽ nghĩ rằng người Ấn nào cũng là nhà ảo thuật và mỗi chuyện họ làm đều kỳ diệu.
Những gì tôi có thể nói là sau hai mươi năm kinh nghiệm ở đất nước này, tôi chưa hề gặp điều kỳ diệu hay một ảo thuật gia nào. Dù vậy, quả đúng là có nhiều người Ấn thích thú với huyền bí học, một khoa học mà nếu có thời gian và quyết chí, hẳn tôi sẽ dốc lòng tìm hiểu vì tin chắc là mình sẽ tìm ra được nguyên nhân thực về sự hiện hữu của con người. Tôi may mắn gặp được hai, ba bạn người Ấn quan tâm về khoa học này, và họ nói một cách trang trọng, về những điều mà người Ấn trung bình có học thức tây phương xem là hoang đường, như là chuyện có thật.. Chuyện mà Kinh Thánh gọi là phép lạ, thì đối với họ chỉ là kết quả của việc sử dụng các luật thiên nhiên, mà nói chung con người không biết.
Họ cũng nói cho tôi nghe về những vị Tôn Sư Cao Cả - và họ nói đến các bậc này với lòng tôn kính sâu đậm -các ngài trên thang tiến hóa vượt xa người bình thường, sống ở vùng núi non hiểm trở và tuôn ra năng lực và minh triết để nâng cao nhân loại. Những điều này thật là lý thú, nhưng tôi không tin. Tuy nhiên người bạn trẻ mà tôi thân thiết thì rất chú ý với chuyện như vậy.
Anh tên Charles Norman, và dù nhỏ tuổi hơn tôi nhưng vì lẽ nào đó chúng tôi lại là bạn rất hợp gu. Hẳn anh có cha mẹ khác đời vì anh được dạy những ý tưởng lạ thường, và anh tự hào là không ăn thịt từ nhỏ. Chúng tôi có một bạn chung rất hiểu biết, người bản xứ, tên  Ram Singh; ba chúng tôi họp mặt thường xuyên nhưng dễ thấy là vì lý do bí ẩn nào đó, Ram Singh quan tâm nhiều đến Charles.
Bây giờ thì tôi tin, nhưng không biết chắc, rằng Ram Singh có thể làm những điều kỳ lạ. Tôi nghe nói, và nghĩ nó đúng, là anh có liên lạc bằng cách tâm linh nào đó với vị mà anh gọi là Guru,và ngài là một trong các nhà Hiền triết có tiếng và được dân Ấn tin tưởng. Dù chuyện ra sao đi nữa, anh không hề cho tôi thấy khả năng tâm linh của mình, và tôi chắc chắn rằng Charles không có khả năng ấy. Có thể anh nhạy cảm nhưng khả năng tâm linh thì không.
Tuy vậy, việc này chẳng ảnh hưởng gì đến Ram Singh. Rất thường khi tôi thấy anh trong phòng của Charles, bàn chuyện triết lý theo cách hết sức lạ lùng, còn Charles lặng lẽ nghe như thể đã biết rồi và nay nhớ lại, mà không phải là đang ra công học điều gì mới. Có lẽ anh như thế, vì cả anh và Ram Singh tin tưởng vững chắc vào thuyết Luân hồi, còn với tôi thì nó có vẻ đúng. Nhiều năm về sau tôi tin chắc là nó đúng vậy.
Hai người bạn này rất tốt với tôi, họ không hề làm tôi có cảm tưởng là kỳ đà cản mũi họ, và Charles thường bảo là Nhân quả nối kết chúng tôi với nhau. Đáp lại Ram Singh gật đầu một cách đầy ý nghĩa, và khi tôi xin có giải thích về chuyện thì anh nói tôi sẽ biết trước khi tôi chết. Vì nghĩ là bây giờ mình đã biết nên tôi ngồi xuống viết bài này.
Ngày mà câu chuyện của tôi bắt đầu là một ngày thật nóng bức - trời có thể nóng cực độ ở Ấn- tôi dành phần lớn thì giờ ngồi dưới cây quạt lá, tự nhủ là mình đang làm chuẩn bị cần thiết, đang sửa soạn cho đời sống sau khi chết mà người ta tin là dành cho người Thiên Chúa giáo chểnh mảng. Tuy nhiên, tới xế chiều trời như có gió và tôi nghĩ đi tìm Charles. Bên Ấn Độ hầu như không có cõi riêng tư, nên tôi đi thẳng vào phòng Charles không cần gõ cửa, thấy anh đang nằm trên ghế dài bên ngoài ban công nhà anh. Tôi gọi:
– Charles, mạnh giỏi. Hôm nay vui chứ ?
Nhưng không có trả lời, và tiến lại gần hơn thì tôi thấy anh trắng bệch như chết nằm im bất tỉnh. Nghĩ rằng anh bị xỉu, tôi hoảng hốt vì không có khả năng đáp ứng với những việc như vậy. Tôi tính gọi người giúp việc của anh thì đột nhiên Ram Singh xuất hiện, êm ru không tiếng động nào. Anh nhìn tôi rồi đi thẳng tới Charles, cúi người xuống vài giây nhìn vào mặt Charles, và mí mắt Charles bắt đầu chớp nhẹ.
Dần dần sự sống làm như tuôn vào cơ thể và anh ngồi lên nửa chừng. Ram Singh đứng thẳng lên bước tới nói chuyện với tôi. Ngay giây phút đó - tôi nhớ rất rõ bởi nó đã gây một ấn tượng mạnh mẽ với tôi - Charles nói:
– Xin nhớ Gaeta , anh lập lại, Xin nhớ Gaeta.
Và chỉ có thế. Anh dụi mắt và tỉnh trở lại bình thường.
– Hai người đang làm gì ở đây vậy ?  Anh hỏi.
– Vào đây tìm bạn. Tôi đáp.
– Tôi vừa có một kinh nghiệm lạ lùng, anh nói, tôi tưởng mình sắp chết.
Anh quay sang Ram Singh:
– Ram Singh, anh biết đó là….
– Phải, phải rồi. Ram Singh đáp, bạn không được khỏe cho lắm, đừng nói nhiều.
Rồi Ram Singh nhìn quanh và nói với tôi:
– Anh Mowbray, tôi nghĩ bây giờ nên để anh chàng yên. Nếu không phiền, xin anh để tôi ở lại với Charles một lúc, đến tối anh ta khỏe lại ngay.
Đã ở Ấn Độ nhiều năm, tôi hiểu và thích người Ấn, và tin là họ cũng thích mình; tới lúc này tôi chưa hề có lòng kỳ thị chủng tộc, nhưng phải nói là khi rời ban công đi ra theo lịnh của Ram Singh (tôi không thể dùng chữ nào khác), tôi cảm thấy tính kỳ thị chủng tộc bốc lên. Anh ta chỉ là một người Ấn, là ai mà dám ra lịnh cho tôi, một người Âu Châu, rời khỏi bạn khi bạn đau ốm ?
Sau đó tôi cảm thấy xấu hổ vì cảm xúc này, tôi nhìn nhận với mình rằng người có ý chí mạnh hơn đã thắng. Khi đặt câu hỏi là giữa Ram Singh và tôi, tôi sẽ nghe ai thì Ram Singh sẽ thắng. Mặc dù không ai trong hai người nhắc lại với tôi chuyện này nữa, sau đó tôi nhận thấy Charles có vẻ bồn chồn kỳ lạ và bối rối. Tâm tình anh cũng thay đổi, lúc thì sầu não rồi đổi thành hưng phấn khác thường. Khi anh xuống tinh thần, tôi tìm cách giúp anh hứng khởi trở lại mà không thành công, Ram Singh lại đến và khi không dễ làm Charles sinh động lạị, anh nhìn Charles một cách kỳ lạ và nói:
–Xin nhớ Gaeta.
Sáu tháng sau đó Charles rời Ấn để nghỉ phép dài hạn. Tôi đi với anh tới Bombay rồi tiễn anh ở đó. Tới phiên tôi bị xuống tinh thần. Dường như Charles đã bình phục sau cơn bệnh đột ngột, đã lên tinh thần hoàn toàn, và về nhà với lòng hân hoan thơ thới. Tôi là người buồn bã, khi bắt tay anh tôi nói, có vẻ như một lời tiên đoán, tôi nghĩ vậy.
– Tôi đang thắc mắc là có được gặp lại anh nữa không ?
Anh nhìn tôi giây phút, phá ra cười và nói:
– Này anh bạn già, bạn sẽ còn thấy tôi nữa mà, chỉ có điều là có lẽ tôi sẽ không thấy anh.
Tiếng còi tàu đã cản không cho tôi hỏi xem câu nói bí ẩn và hơi thô lỗ này có nghĩa gì, nhưng nó cứ lẩn quẩn trong đầu tôi, và dựa vào những chuyện xảy ra sau này tôi nghĩ là Charles muốn nó nằm trong tâm trí tôi. Tôi kể với Ram Singh chuyện ấy và anh chỉ cười một cách khó hiểu. Có những lúc tôi ước phải chi Ram Singh đừng cười như thế.
Tôi nhớ Charles lắm, và tôi cũng không gặp Ram Singh nhiều vì không lâu sau đó anh cũng rời nhiệm sở. Charles không phải là một người thích viết thư, vì thế nên ngoài vài bưu thiếp gửi đi trên đường đến Anh quốc, và một thư cho hay anh đã tới nơi, trong nhiều tháng tôi không được tin anh. Khi nhận được vài hàng gọi là cho có liên lạc, tôi kinh ngạc quá đến nỗi không tin vào mắt mình. Charles viết từ Gaeta.
Tôi không biết gì về Gaeta, tôi không có gì đặc biệt muốn biết về nó. Tôi nghĩ nó nằm đâu đó ở Ý, gần bờ biển và tôi cho là một nơi rất đẹp. Thư của Charles không phải là cuốn sách hướng dẫn du lịch, vì thế những điều tôi biết là do đọc từ Encyclopedia Britannica. Charles nói về một Bá tước tên Baroni mà anh gặp ở Gaeta. Ông này, theo lời anh viết, là một nhà Hiền triết thấu triệt những bí ẩn của Khoa học Huyền bí. Tôi không biết làm sao Charles đi tới Gaeta, nhưng tôi dám nói là có thể Ram Singh biết chút ít về chuyện này và cho tôi hay nếu anh muốn. Phần tôi thì tin là số mạng đặt để cho Charles phải đến Gaeta, và anh rời Bombay với ý chắc chắn là sẽ tới đó.
Bá tước Baroni hình như rất thân thiện với Charles, anh cho tôi hay là có nhắc về tôi với ông, cũng như nói đến tình bạn thân thiết giữa tôi với anh, và rằng Bá tước rất vui được biết về điều này. Người Ý luôn luôn lịch sự. Bá tước sống trong một căn nhà thật thơ mộng, và tôi đoán là mỗi ngày Charles tới gặp ông nhiều giờ. Ông sống đời hưu trí, mọi người chung quanh nghĩ ông có hơi lập dị nhưng vô hạị. Tóm tắt thì đó là các điểm chính trong thư Charles viết cho tôi, chỉ có điều là có lời tái bút đáng chú ý:
–Vui lên ông bạn già, chắc chắn bạn sẽ gặp lại tôi.
Đó là thư đầu tiên tôi có của Charles viết từ Gaeta, và cũng là lá thư cuối cùng.
Sáu tuần sau tôi nhận được một tờ báo từ Ý gửi đến. Tôi đọc lướt qua hững hờ, nghĩ rằng hẳn phải có tin gì trong báo đáng cho tôi chú ý, vì chắc chắn là báo do Charles gửi cho tôi, dù chữ viết không phải là của Charles nhưng dấu bưu điện là từ Gaeta, và Charles là người duy nhất có thể gửi báo. Tôi thấy có hai đoạn văn làm dấu bằng bút chì xanh.
Đoạn thứ nhất nói về cái chết của Bá tước Baroni, ông chết trong Villa của ông, vì bệnh tim đột ngột. Thực sự thì tin này không khiến tôi quan tâm mấy, nhưng tôi đoán là Charles buồn và tôi nghĩ anh thực tốt bụng khi gửi báo cho tôi. Rồi tôi đọc tiếp đoạn văn kế. Nó làm tôi bị chấn động dữ dội nhất trong đời. Tin nói về một vụ đất chuồi kinh khủng trong vùng Gaeta, và trong số các nạn nhân có một người Anh trẻ tuổi đã ở tại Gaeta chừng hai, ba tháng nay; người ta thấy anh đi dạo trong vùng lúc thiên tai xảy đến. Mấy ngày sau khi không thấy anh trở lại, và có vẻ anh ra ngoài đi dạo như thói quen mỗi buổi chiều, người ta cho rằng hẳn anh đã thiệt mạng
Tờ báo cũng nói là chưa tìm ra thi thể của thanh niên trẻ tuổi người Anh này, Charles Norman. Và có lẽ sẽ không được tìm thấy. Tin ghi thêm là anh rất thân với Bá tước Baroni, và nhắc đến sự trùng hợp lạ lùng về hai cái chết trong cùng một ngày của Charles và Bá tước.
Tôi còn một điều nữa để nhắc về phần này của câu chuyện, ấy là tôi bị hoang mang rất mực vì không thể tự trả lời câu hỏi có vẻ đơn giản: Ai đã gửi tờ báo cho mình ? Tôi viết ngay cho Ram Singh, anh hồi âm lại một cách lịch sự nhẹ nhàng chia buồn cùng tôi, nhưng không hề tỏ chút gì là đáng tiếc về sự ra đi của Charles. Ta không nên mong đợi điều này ở anh, vì anh nhìn cái chết khác với đa số người, nhưng đằng sau lá thư hồi âm của Ram Singh tôi như thấy nụ cười lặng lẽ khó hiểu của anh.

Thời gian: Mười lăm năm sau.  
Nơi chốn: Buổi Opera tại Covent Garden.
Tôi đã rời bỏ đất Ấn hẳn rồi, có nuối tiếc khi ra đi, nhưng nghĩ cho cùng thì không đâu bằng quê hương xứ sở. Tôi cũng còn nhiều bạn ở Ấn, họ vẫn giữ liên lạc và cho tôi tin tức bên ấy. Về Ram Singh thì nhiều năm rồi không nghe gì về anh, còn Charles - anh  đã phai mờ trong tâm trí tôi. Bây giờ tôi đi xem Opera như một người Anh yêu nhạc, và đang xem buổi diễn thật xuất sắc vở La Bohème. Chỉ cần nói rằng Mme Melba đóng vai Mimi là đủ. Tôi ngồi xem ở hàng ghế bên dưới.
Trong lúc nghỉ giữa hai lần trình diễn tôi đảo mắt nhìn khắp rạp, có trưng bày lộng lẫy như lệ thường về trang phục và đồ trang sức trong hộp, và khi rà kính qua những hàng ghế, tôi nhận ra hình dạng một người thấy quen thuộc rất lạ lùng mà ngay lúc đó, tôi không nhớ là ai. Ông xoay lưng lại phía tôi. Khi ông quay mặt lại thì tôi tưởng mình gần như muốn ngất xỉu, vì gương mặt ông là mặt của Charles, không phải Charles mà tôi biết ở Ấn Độ, mà là một Charles hết sức cao cả và hùng mạnh hơn; không là một Charles mà tôi biết, nhưng đó vẫn là Charles không nghi ngờ gì cả (1). Một điều tuyệt diệu đang xảy ra trước mắt tôi. Charles không có vẻ gì là già hơn so với mười lăm năm về trước. Đây vẫn y là người nhìn trẻ trung ở tuổi ba mươi mà theo luật tự nhiên, lẽ ra anh phải lộ đôi nét là đã lớn tuổi theo năm tháng.
Tôi nhìn, và nhìn mãi, nếu có nghi vấn nào về con người của anh thì nó bị gạt bỏ ngay, vì tôi có thể thấy rõ cái nhẫn hồng ngọc lạ lùng trên ngón út tay trái anh, nhẫn mà tôi tặng anh khi cả hai chúng tôi còn ở Ấn độ. Rồi anh hướng mắt về tôi. Anh nhìn tôi ngang qua rạp hát và tôi có kinh nghiệm để đời. Đó là cái nhìn của một người cao cả hơn Charles rất nhiều; là cái nhìn có thể đốt cháy, làm thanh tẩy và tái tạo cùng một lúc. Tất cả những gì tôi đã, hay có thể là, dường như được phơi bày ra trước cái nhìn kỳ diệu này (2). Mà dù tôi có bị lột trần về mặt tâm hồn và đạo đức, nó không sinh lòng khó chịu vì cái nhìn tuyệt đối vô tư. Tôi không có chữ để giải thích. Ngôn từ là phương tiện thật nghèo nàn khi phải diễn tả kinh nghiệm tinh thần, và tôi nói đúng thực về điều gì mình biết.
Chuyện diễn ra chỉ trong khoảnh khắc rồi Charles, tôi vẫn phải gọi anh như vậy, mỉm cười qua khoảng không gian rực rỡ của rạp hát, và nụ cười của anh có lòng từ vô bờ, sự dịu dàng vô độ. Sau đó anh quay mặt đi, đèn mờ xuống và nhạc bắt đầu vang lên trở lại. Tới lần nghỉ kế giữa hai màn hát, tôi cố tìm anh nữa nhưng anh đã ra về. Tôi rời rạp hát. Tôi đã thấy được một con người cao cả, và vì anh không còn ở đó nên tôi cũng đi về. Khi bước ra, tôi như thoảng nghe bên tai câu nói ngày trước:
– Anh bạn già này, bạn sẽ còn thấy tôi nữa mà, dù tôi sẽ không thấy anh.
Hiểu biết mà Ram Singh nói tôi sẽ có được bắt đầu lộ ra. Tôi viết thư cho Ram Singh. Tôi muốn, ồ, tôi muốn biết bao có giải thích rõ ràng về điều kỳ diệu này. Thư bị trả lại với địa chỉ không đúng. Vì vậy điều tôi có thể làm chỉ là suy đoán, và những gì có vẻ là suy đoán rồ dại với ai không biết, đối với tôi lại là sự thực thuần túy nhất. Chuyện có thể là một bậc siêu nhân nào đó muốn có chỗ để ngụ đã chọn thân xác của Charles. Tôi cảm thấy chuyện là vậy, và tôi có lòng trung thành lớn lao nhất cùng tuyệt nhất với Ngài, vì tôi có cảm tưởng là trong những kiếp tới tôi sẽ phụng sự Ngài, như chắc chắn là Ram Singh và Charles Norman đã phụng sự Ngài với sự hiểu biết và minh triết trong kiếp này. Tấm màn đã được vén lên cho tôi nhờ bí ẩn của chuyện xẩy ra ở Gaeta.

Theodore Leslie Crombie - Remmember Gaeta
The Theosophist 1922, March.

Ghi chú:
1. Sách vở thỉnh thoảng ghi vài trường hợp đổi xác như vậy. Riêng với HPB bà có nói với Claude Wright là không muốn trở lại như là một em bé, nên các chela đi tìm một thân xác cho bà sử dụng vào lúc linh hồn trong đó rút lui, với cơ thể vẫn còn tốt lành. Chuyện Gaeta cho thấy một trong những cách mà việc có thể xẩy ra.
James Pryse - Memorabilia of H.P.B.
The Canadian Theosophist, March 15, 1935, p. 1-5

2. Một đoạn trong chuyện Vòng Tái Sinh - chương Ai Cập mô tả việc tương tự:
“… Ngài ngẩng đầu và nhìn tôi.
Rồi một chuyện xẩy ra mà tôi không có tên để gọi. Nó giống như một ánh sáng chóa mắt phát từ ngài và bao phủ tôi, đem tôi trong một giây tích tắc vào tâm thức ngài…Tôi rúng động khắp cả người, phải dựa vào tướng mới vững.
– Phép thuật gì vậy ? Ngài đã làm gì con. Tôi chậm chạp hỏi. Ngài không trả lời ngay, nhưng ngồi chăm chú nhìn tôi. Sau cùng, dường như ngài được thỏa mãn.
– … Tôi bao phủ ngài trong một khoảnh khắc với ngọn lửa trắng của tình yêu cao thượng. Gặp lửa này mọi độc ác xấu xa sẽ bị cháy tan. Vì ngài không bị tiêu hủy khi nốt ấy vang động trong hào quang, vì ngài không thụt lui kinh hoảng và trốn chạy, thí nghiệm cho tôi thấy là trong ngài tình thương vẫn còn cháy sáng…”

Geese